Bản tin Khuyến học Việt Nam hôm nay có các nội dung sau:

1. Hội khuyến học Huyện Tiền Hải với phong trào “Mùa xuân khuyến học” năm 2023

Thời gian vừa qua, Hội khuyến học huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình đã đẩy mạnh  phong trào "Mùa xuân Khuyến học" năm 2023 với sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình trách nhiệm bằng nhiều hoạt động thiết thực trên toàn địa bàn huyện.

Hội Khuyến học các xã, thị trấn, ban khuyến học các dòng họ đã huy động được trên 1 tỷ đồng thông qua sự đóng góp, ủng hộ quỹ khuyến học do các nhà hảo tâm, các tập thể, con em xa quê tài trợ, ủng hộ.

Hội Khuyến học xã Nam Hưng, Hội Khuyến học xã Đông Qúy, Hội Khuyến học xã Nam Trung và một số địa phương khác, đã vận động kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của các vị chức sắc tôn giáo, cha sứ, linh mục nhà thờ, hội đồng mục vụ, sư trụ trì các nhà chùa trên địa bàn tặng quà là tiền và hiện vật cho các cháu học sinh trị giá hàng trăm triệu đồng.

Hội Khuyến học thị trấn Tiền Hải phối hợp với Hội chữ thập đỏ huyện, ban giám hiệu, hội phụ huynh học sinh trường Tiểu học thị trấn tiền Hải tổ chức chương trình "Tiếp sức đến trường, chắp cánh ước mơ" với nhiều hoạt động như: biểu diễn văn nghệ, trao quà, tặng xe đạp cho các cháu học sinh, tạo nên không khí thi đua sôi nổi tinh thần đoàn kết, thân ái góp phần xây dựng nhà trường vững mạnh.

2. Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tặng quà đồng bào dân tộc Khmer dịp Tết Chôl Chnăm Thmây 2023

 Nhân dịp Tết cổ truyền Tết Chôl Chnăm Thmây 2023 của đồng bào dân tộc Khmer, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu phối hợp Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu và Ủy ban nhân dân huyện Hồng Dân tổ chức trao quà và xe đạp cho bà con và học sinh huyện Hồng Dân.

Tại chương trình, 100 suất quà ,mỗi suất gồm gạo, mì, nhu yếu phẩm trị giá 600.000 đồng và 20 xe đạp đã được trao cho người dân thuộc hộ nghèo và các học sinh người dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn.

Đây là những phần quà thiết thực, ý nghĩa, giúp cho bà con phấn chấn, vui tươi đón tết cổ truyền. Đồng thời cũng là động lực để các học sinh đồng bào dân tộc Khmer nghèo tiếp tục con đường học tập.

3. Bốn nhóm học sinh được vào thẳng lớp 10 ở Hà Nội

 Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, số học sinh lớp 9 năm nay là 129.210 em. Khoảng 72.000 em sẽ được tuyển vào THPT công lập 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục, còn lại vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Theo đó, học sinh lớp 9 được tuyển thẳng vào lớp 10 công lập nếu đạt giải tại các cuộc thi do Bộ Giáo dục công nhận, hoặc là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.

Các học sinh thuộc diện tuyển thẳng được chia thành bốn nhóm, theo hướng dẫn tuyển sinh lớp 10 ngày 1/4 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Thứ nhất, học sinh đạt giải cấp quốc gia hoặc quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Danh sách cuộc thi cụ thể như sau:

- Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV.Startup).

- Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai.

- Giao thông học đường.

- Viết thư quốc tế UPU.

- Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.

- Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc (gồm các môn thể thao được dạy trong trường hợp, được tổ chức bốn năm một lần).

Ngoài nhóm trên, nếu đã học trường Phổ thông dân tộc nội trú, khi tốt nghiệp THCS, học sinh cũng được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT của trường Phổ thông dân tộc nội trú.

Nhóm thứ ba là những học sinh thuộc một trong 16 dân tộc rất ít người, gồm Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ.

Nhóm cuối cùng là học sinh bị khuyết tật, bị suy giảm chức năng học tập, lao động, sinh hoạt.

4. Công bố lịch thi tốt nghiệp THPT 2023

 Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố hướng dẫn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, thí sinh làm thủ tục dự thi vào ngày 27/6, làm bài thi Toán và Ngữ văn hôm 28/6. Ngày 29/6, thí sinh thi Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Dự kiến khoảng một triệu thí sinh tham dự kỳ thi. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT 2023 chủ yếu trong chương trình lớp 12. Ngoài ra, Bộ công bố điểm thi sớm hơn hai tuần so với năm ngoái, thí sinh có thể tra cứu điểm từ 8h sáng ngày 18/7, thay vì 0h như các năm trước. Nếu còn thắc mắc về kết quả, thí sinh có 10 ngày để làm đơn phúc khảo.

Thời gian xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh chậm nhất vào ngày 20/7. Thí sinh có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp để đăng ký xét tuyển đại học từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7. Trong khoảng này, các em có thể điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học không giới hạn số lần.

5. Kỹ sư công trường trở thành giảng viên đại học Mỹ

Anh Lê Hải Châu, 35 tuổi, người Bạc Liêu, hiện là giảng viên khoa Kỹ thuật xây dựng, Công trình và Môi trường, Đại học Bang Bắc Dakota, Mỹ. Trước khi sang Mỹ, anh Châu có 5 năm công tác tại Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) của Bộ Xây dựng.

Theo anh Châu, từ một kỹ sư bám công trường ở Việt Nam trở thành giảng viên đại học một trường R1 (trường nghiên cứu) ở Mỹ là bước chuyển lớn, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực của anh trong nhiều năm.

Sau hai năm làm ngoài công trường, ở tuổi 27, anh được cất nhắc lên phó giám đốc dự án thi công xây lắp nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của CC1. Dự án có vốn khoảng 2.800 tỷ đồng, với hơn 200 kỹ sư và hàng nghìn công nhân. 6h hàng ngày, anh cùng các kỹ sư đến công trường làm việc và 18h theo xe trở về ký túc xá.

Công việc ổn định, thu nhập tốt, nhưng khi dự án sắp hoàn thành, anh suy nghĩ nhiều hơn tới tương lai. Nghỉ việc năm 2016, anh tập trung học tiếng Anh và săn học bổng du học. Cũng năm này, anh trúng tuyển làm giảng viên Đại học Công nghiệp TP HCM. Môi trường làm việc thay đổi, từ chỗ đi lại nhiều ngoài công trường, anh Châu phải ngồi làm việc với máy tính. Anh cũng phải học cách soạn giáo án, lên kế hoạch giảng dạy và đánh giá sinh viên.

Trong một năm, anh Châu vừa đi dạy, vừa ôn IELTS và GRE . Anh cũng mất nhiều thời gian tìm hiểu thông tin về giáo sư, các bài báo đã công bố trên tạp chí của họ và tìm cách liên hệ. Năm 2017, anh Châu nhận được học bổng toàn phần tiến sĩ ngành Quản lý xây dựng tại Đại Học Bang Iowa, sau đó chuyển sang Đại Học Texas A&M do thầy hướng dẫn chuyển công tác.

Đến nay, anh Châu đã công bố 32 bài báo. Hướng nghiên cứu của anh là ứng dụng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu suất dự án xây dựng, cơ sở hạ tầng bền vững và linh hoạt, các công nghệ mới nổi và robot. Từ kinh nghiệm của mình, theo anh Châu, nếu muốn học ở Mỹ, ứng viên cần chủ động tìm trường có ngành mình thích, xem điều kiện hồ sơ và chủ động liên hệ với các giáo sư.